Tưởng niệm Đinh Bô Cương

Bản đồ vị trí Đền thờ Thành hoàng Đinh Bô Cương

Do có công lớn trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn, ông được dân làng Cao Môn, tức xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tôn làm Thành hoàng và được triều đình sắc phong chính thức. Vùng khai khẩn vẫn còn lưu giữ nhiều di tích như khu mộ 7 ngôi, trong đó có ngôi của ông, ở đất Tràng Học là nơi ông mở trường dạy học; Đền Bản Cảnh do ông lập nên cầu giang sơn phù hộ cho mọi người khi vào rừng khai khẩn (Theo Tàng thư họ Mai, Cát Ngạn); Lò Vôi (theo Tàng thư họ Mai, cũng do ông xây dựng, nhưng theo Thanh Chương huyện chí, lò vôi xây dựng vào năm 1808); Điểm phát lộ tiền cổ cùng nhiều cổ vật khác ở Động Chuyền, hữu ngạn Rào Con cách Cửa Rào khoảng 1 km, vào những năm đầu thế kỷ XXI; Còn phải kể tới: Dãy Lèn Môn Trang, còn gọi là lèn Yên Sơn (tức Yến Sơn - núi én) gồm 3 hòn: Lèn Thượng - Lèn Hạ - Lèn Một là những kì quan thiên tạo, nơi chứa nhiều sự tích của vùng Hạnh Lâm; và ngược dòng sông Giăng tới Môn Sơn, Lục Dạ, nay thuộc huyện Con Cuông, đều là những địa danh gắn với tên tuổi và sự nghiệp của ông.

Ở làng Cao Môn trước đây có ngôi đình làng và đền thờ Đinh Bô Cương, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, ngôi đình và đền thờ đã bị phá hủy. Cho đến năm 2012, ông Lưu Công Mân, một Thiếu tá QĐND Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, người ở xã Thanh Liên mới kêu gọi Ủy ban nhân dân xã Thanh Liên, các đoàn thể và cá nhân trong xã dựng một am thờ nhỏ ngay tại nền cũ của đền thờ ở tại xóm Liên Yên, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Hằng năm vào ngày 16/06 âm lịch, vốn là ngày tế lễ ngày trước đều tổ chức tế lễ, do chủ tịch UBND xã Thanh Liên làm chủ tế.